Ngày nào giờ nào với chị Thủy Phạm cũng đều được chị tận dụng với đầy ắp năng lượng và ý nghĩa. Đó là những ngày bình yên bên gia đình, hay những chuyến đi hoang sơ và bí ẩn, trải nghiệm ở những nơi có dân số quý hiếm được ghi vào sách đỏ… Đó là những bữa sáng yêu thích tự làm với café tự xay tự pha, ở một góc trong vườn nhà. Đó là những màu xuân xanh trong ngôi nhà ở quê hương quan họ Bắc Ninh…
TÔI YÊU MỘT BỮA SÁNG CHẬM RÃI
Giờ là những tháng cuối năm 2024 rồi, chị có thể tổng kết và chia sẻ những chuyến du hành của năm 2024 của chị được không, năm nay chị đã đi khoảng bao nhiêu km, du hành bao nhiêu nước?
Khi lái xe về trả lại nơi thuê ở sân bay Rome Fiumicino sau 24 ngày rong ruổi miền trung và nam nước Ý hồi tháng 10/2024, tôi nhận ra mình đã không ghi lại cây số khi bắt đầu lăn bánh cũng như khi kết thúc để rồi “vào sổ” số km đi qua như thói quen đã từng. Tôi đã không còn quan tâm tới con số vật lý này nữa, thứ từng được xem như thành tích của mỗi chuyến đi. Thứ mà tôi từng gọi là “bán kính đời mình” không còn đo bằng km, bằng số các điểm check-in. Năm nay ngoài các chuyến đi ở Việt Nam, tôi trở lại 2 đất nước đã từng đến khá nhiều lần, Nhật Bản và Ý, tới mức nhiều bạn bè đều kêu rằng: Lại…!!! Nhưng với tôi đấy “lại” là những chuyến đi hoàn toàn mới mẻ, nhiều bất ngờ kỳ diệu, mở ra những chiều kích khác về sự hiểu biết, về kinh nghiệm sống và về cảm xúc ở những nơi tưởng như mình đã “biết rồi”.
Chặng đường, hành trình nào mà chị ấn tượng nhất trong năm nay?
Có lẽ tôi tham quá, bởi có nhiều ấn tượng thật khó so sánh. Như chuyến Sense Vietnam by Lexus ghé qua Phan Rang là nơi tôi đã biết, đã qua biết bao lần, từ những chuyến xuyên Việt đầu tiên vào đầu những năm 2000. Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với một đầu bếp Việt trở về từ châu Âu và quyết định gắn bó, trở thành “người Phan Rang” khiến tôi nhận ra mình biết quá ít ỏi về nơi này, bèn tự hứa với mình rằng sẽ phải trở lại nơi đây trong các chuyến xuyên Việt tới. Hoặc chuyến Hyundai Tucson Raily đưa tôi về lại đường Tây Trường Sơn từng “lạc lối” trong chuyến xuyên Việt khám phá cung này mười mấy năm trước, đã cho tôi trải nghiệm một đêm kỳ lạ trong thung lũng Tà Cơn. Ở đây, ngây ngất với phong cảnh 4 mùa trong từng khoảnh khắc, tôi và một người bạn đã say sưa với bao dự án trong mơ. Hay chuyến đi theo sự mê hoặc của kiến trúc sư Ando Tadao tới hòn đảo Naoshima lại cho tôi chứng kiến và thán phục cách mà một tỷ phủ đã biến một vùng đất ô nhiễm của Nhật Bản trở thành hòn đảo nghệ thuật và “chữa lành” như thế nào… Và tất nhiên, một chuyến lái xe đường dài (gần 1 tháng) tới những vùng đất “hoang sơ và bí ẩn” của nước Ý, nơi ngay cả nhiều người bản xứ cũng lắc đầu khi nói tới, lái xe chen qua đàn cừu ở nơi cừu cũng nhiều như lâu đài, trải nghiệm cuộc sống trong ngôi làng trên núi cao với dân số quý hiếm được ghi vào “sách đỏ”… thì ngày nào cũng vô cùng đáng nhớ…
Nhạc sĩ Dương Thụ luôn đồng hành với chị trong mỗi chuyến đi, hình như cả hành trình xuyên Việt hơn 1.700 km, người đồng hành đó dễ chịu chứ chị?
Ngoài các chuyến đi vì công việc, hầu hết với tôi là các chuyến-xe-gia-đình. Khi bạn có một gia đình thì điều này hết sức tự nhiên. Mỗi ngày trên xe của chúng tôi cũng bình thường như mỗi ngày không trên xe, với đủ mọi sắc thái cảm xúc. Tôi cũng đã chia sẻ chuyện này trong cuốn “Mở rộng bán kính đời mình”: “Cãi nhau đừng cho hổ biết”, hay “Đừng lái xe một mình”… May là chúng tôi vẫn còn hào hứng chuẩn bị chuyến đi tiếp và chưa ai chịu xuống xe, dù không phải lúc nào mọi chuyện cũng dễ chịu!
Có cảm giác một người chân đi chân chạy như chị thì không thể nào mà làm công việc của người phải ngồi yên một chỗ nhỉ?
Nghề làm báo chắc không phải công việc của người ngồi yên rồi. Kể cả khi mọi người nhìn thấy bạn ngồi yên đấy, thì bên trong vẫn cứ luôn nhấp nhổm. Tôi nhớ một lần tham gia khóa học nghiệp vụ ngắn ngày, bà chuyên gia người Mỹ có nói, rằng chuyên môn duy nhất, vũ khí duy nhất của nhà báo là “Câu hỏi để đi tìm Sự thật, tìm Thông tin chính xác”. Cũng vì những câu hỏi ấy mà nghề báo không cho bạn yên đâu. Tôi chưa thử nghề khác nên chưa biết mình có khả năng ngồi yên một chỗ đó không. Ngoài bệnh nghề nghiệp ra, có lẽ tôi cũng không phải tạng thích “ngồi yên đấy để người khác tìm cuộc tình cho”…
Việc đầu tiên khi chị được tự do trong công việc, chị đã làm gì?
Chắc là có một bữa sáng yêu thích tự làm với cà phê tự xay và tự pha, ở một góc vườn nhà. Đơn giản vậy thôi trước khi bắt đầu một ngày làm việc, chỉ có điều nó có thể hơi lâu hơn bình thường, nhẩn nha hơn bình thường. Chắc do “cấu tạo động cơ” của mình như thế. Tôi có thể làm mọi việc rất nhanh, nhưng đặc biệt yêu thích một bữa sáng chậm rãi.
Hồi tôi mới lái xe, có chuyến đi công tác cùng đội trưởng đội xe ở cơ quan, anh dặn mỗi sáng khi khởi động nên để máy xe nổ vài phút cho dầu nhớt được bơm tới các bộ phận động cơ, trơn tru đã, còn mình bình tĩnh kiểm tra lại các thông số hiện lên trên bảng đồng hồ chuẩn rồi, mình cũng đã thoải mái sẵn sàng rồi (chỉnh ghế ngồi, chỉnh gương, thắt dây an toàn…) hẵng đạp ga mà đi. Đến giờ hầu như tôi vẫn còn giữ thói quen như thế và chắc vì thế mà người giống…xe!
Tính chất công việc chuyên môn của tôi không có gì thay đổi- hay nói khác là tôi chỉ biết làm mỗi việc đó thôi- nhưng được tự do sắp xếp thời gian, không gian, nhịp điệu, pha trộn các loại công việc theo cách phù hợp với thể trạng của mình để luôn có thể cân bằng hơn và tạo nên sự hứng khởi mới mẻ mỗi ngày. Năm ngoái, khi sang thăm trụ sở làm việc của Google ở Singapore theo lời mời của một người bạn làm quản lý một bộ phận ở đó, tôi thích thú vô cùng với cách tạo ra không gian làm việc tự do cho mỗi cá nhân ở đó để có thể phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mỗi người, mang lại hiệu quả công việc thật sự. Tự do mà thật là trói chặt, mỗi khi Google có đợt sa thải là ai nấy cùng căng thẳng lắm. Có lẽ đúng là chúng ta chỉ có một thứ tự do thật sự, là tự do lựa chọn thôi.
ĐI-VỀ- LÀ QUÁ TRÌNH DỪNG LẮNG VÀ TIẾP NỐI
Rong ruổi trên các hành trình luôn hấp dẫn, thế còn cảm giác ngồi yên dưới mái nhà khi trở về thì như thế nào, thưa chị?
Ý bạn là rong ruổi trên những con đường mới thì luôn hấp dẫn thì lúc trở về nhà có dễ hụt hẫng phải không?
Bạn biết không, ngày nay công nghệ mới khiến quá trình vận hành một chiếc xe hơi rất thú vị: năng lượng được thu hồi khi xe phanh/dừng và năng lượng đó lại được bổ sung, tăng thêm sức mạnh khi xe tăng tốc, sự chuyển đổi này rất ngọt, rất mượt mà người ngồi sau tay lái cũng khó nhận ra. Đấy cũng có thể xem như một hình dung về sự chuyển đổi giữa các chuyến đi xa và trở về của tôi vậy.
Trước đây cảm giác đó thật sự khác biệt. Như chuyến đi châu Âu lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm, lúc trở về con hẻm lao động nhỏ, nơi có những người hàng xóm vui vẻ nhưng khá ồn ào, chúng tôi bảo nhau rằng hành trình cả tháng qua như đi xem cine ấy nhỉ, mọi thứ rõ ràng rất sống động, nhưng chỉ giống trên màn ảnh, và mình là khán giả. Nay thì khác. Khi không xem chuyến đi như một chuyến tham quan mà là trải nghiệm sống mở rộng thì đi-về như một quá trình dừng lắng và tiếp nối liên tục, cái này là một phần của cái kia và ngược lại. Sau mỗi chuyến đi xa, ngôi nhà và cuộc sống của tôi khi trở về ít, nhiều đều thay đổi. Ví như chuyện bữa sáng, vâng, lại là bữa sáng khởi đầu một ngày yêu thích của tôi. Kể từ sau hành trình 28 ngày “Một vòng đua nước Pháp” năm 2018, sau trải nghiệm bếp & bàn ăn của một phụ nữ Pháp truyền thống chính gốc, thì bữa sáng của tôi đã thay đổi gần như hoàn toàn so với gian đoạn chật vật đủ kiểu, từ bếp nhà tới bếp ngoài đường. Từ bấy tới nay cả gia đình tôi đều thấy thoải mái, bình yên với bữa sáng không tốn kém kể cả thời gian chuẩn bị, có thể linh hoạt pha trộn các nguyên liệu địa phương, lại đủ năng lượng và hợp khẩu vị này. Cơ bản nó chỉ gồm bánh mì nguyên cám lên men tự nhiên, các loại hạt (phải có lạc- đậu phộng, hạt điều, mè đen Việt Nam rồi), trái cây nhiệt đới (quan trọng nhất là chuối), bơ, phô mai, mật ong. Và thức uống kết thúc là cà phê.
Rồi sự thay đổi kiểu như vậy khi trở về lại điều chỉnh chính tôi trong những chuyến đi kế tiếp, giúp mình thích ứng dễ hơn trong các môi trường sống mới, để thấy bản thân rộng mở hơn, tự do hơn.
Như chuyến đi gần 1 tháng ở Ý mới đây, tôi chuẩn bị và sắp xếp mọi thứ trên chiếc xe thuê cho cảm giác xe “của mình”. Ở mỗi ngôi nhà, căn hộ thuê ở, dù có thể chỉ 1-2 đêm, chúng tôi cũng thử sống với nó như ngôi nhà của mình với các thói quen thường ngày như cắm hoa, cà phê sáng ngoài hiên, “thu hoạch” trái cây trong vườn, cùng nhau chuẩn bị bữa tối trong bếp, có thời gian hơn thì “tụ tập” với dân địa phương ở quán bia trong làng, đi chợ nông dân cuối tuần, có khi dành cả buổi chiều trong vườn của một farm house (nhà nông trại) để đọc hay viết. Sự thay đổi này khiến tôi có cảm giác “ngôi nhà” của mình mở rộng rất nhiều. Điều này thật sự thú vị. Tới mức, khi đã về nhà thật rồi, tôi vẫn thấy mình vẫn như đang trong hành trình, hành trình tự thân, không có trạng thái hụt hẫng nào cả.
Nhạc sĩ Dương Thụ đã từng chia sẻ 50% cuộc sống của ông giờ dành cho các sở thích như rửa bát, quét nhà, chăm cây, làm bữa sáng, điều này cho thấy một cuộc sống thật bình an, phải không chị?
Đã lâu nhà tôi không có người phụ giúp việc nhà, các việc nhà cửa, bếp núc, vườn tược vợ chồng đều tự làm tuỳ năng lực, thời gian và sức khoẻ mỗi người. Do tính chất công việc độc lập, chúng tôi cũng có những khoảng thời gian ở nhà một mình, như vậy ai cũng phải có khả năng quán xuyến việc nhà 100% khi cần. Thực ra ban đầu việc phải tự làm cũng không dễ chịu nhất là khi bạn đã từng có người phụ giúp. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn, chủ động hơn khi quyết định tự làm. Nhất là khi nhìn thấy những người phương Tây, người Nhật, kể cả những người lớn tuổi, đều tự tay chăm sóc ngôi nhà, mảnh vườn của họ, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của những việc nhỏ này. Có lẽ nhờ thế chúng tôi có tình thân với mọi thứ trong không gian mình sống, từ cây mít, cây chanh, con cá, đến những bộ đồ ăn, ấm trà…mà khi lựa chọn mua chúng là hình dung ra bữa cơm gia đình, bữa trà chiều với bạn bè… Tôi và chắc là cả chúng tôi, làm việc nhà không phải nghĩa vụ, mà là trách nhiệm và sự gắn bó tự nhiên, đi xa là nhớ, thậm chí có một chút lo lắng không biết chúng có sao không…
Ngôi nhà ở Bắc Ninh quá nổi tiếng với những dịp mùa xuân với tiếng hát quan họ, phải chăng đó là những giây phút bình yên, chị có thể chia sẻ thêm anh chị hưởng thụ Tết như thế nào?
Ngôi nhà truyền thống Bắc bộ, nằm ở vùng đất quan họ, thường là nơi chúng tôi trở về đón Tết cổ truyền, nhân đó bạn bè thường tụ tập gặp gỡ ngày xuân. Thay vì mời bạn bè mâm cỗ Tết bánh chưng giò chả… (mà chắc dịp đó mọi người hưởng nhiều rồi) thì chúng tôi mời bạn bè “cỗ văn nghệ”, như một buổi quan họ trải chiếu ở sân nhà. Rồi đa phần bạn bè dân văn nghệ lại góp vui, nên Tết năm ngoái thành một buổi “quan họ giao duyên với âm nhạc cổ điển phương Tây” ngẫu hứng rất thú vị. Chúng tôi cũng mong muốn duy trì được “cỗ” này hàng năm, như một lời hẹn với bạn bè và với cả chính mình, để rồi ối người sẽ nhớ mà ngâm nga: “Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ/Để mẹ em rằng hát tối nay”… (Mưa xuân-Nguyễn Bính).
Chị sẽ nấu món gì ngày Tết và liệu có thể chia sẻ một vài món đặc biệt mà chỉ có ở Tết miền Bắc mới có?
Tôi rất kém các món cỗ truyền thống Việt Nam (hậu quả của việc là con út trong một gia đình út của đại gia đình) thay vì học nấu cỗ Tết thì tôi toàn được mời… đi ăn cỗ Tết. Để tôi kể cho bạn về một chuyến đi ăn cỗ nhà chị Điệp người quen của vợ chồng tôi nhân ngày Tết ở vùng quan họ Bắc Ninh. Vào mùa thu, chị Điệp sẽ đi mua cốm ở những ruộng quen, lúc đó, cốm vừa nhất, không “già” cũng không “non”, chị sẽ mua nhiều cốm và cất vào tủ đông. Tháng 10 âm, chị ghé làng Thổ Hà đặt bánh đa nem. Làng gốm nổi danh xứ Bắc một thuở giờ bỏ gốm, quay qua làm bánh đa nem. Thời điểm này thời tiết vừa vặn không khô quá cũng không ẩm, bánh đa nem sẽ mềm, dai, không giòn gẫy, để lâu cũng không mốc. “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm” mùa rươi, chị lại về Uông Bí, Quảng Ninh mua bằng được rươi tháng 10. Rươi Hải Dương thì to và đều con hơn. Theo chị Điệp thì rươi Quảng Ninh con nhỏ hơn, nhưng vị ngon và ngậy hơn. Rươi mua về còn sống, cho vào rá đãi nhẹ trong chậu nước để làm sạch rươi, sau đó cũng cất vào tủ đông.
Mâm cỗ ngày Tết được chị Điệp, con gái Bắc Ninh gốc, cùng mẹ, chuẩn bị từ nhiều tháng trước Tết như thế. Đó là chưa kể thịt lợn đặt chị trước 6 tháng (nuôi đủ 6 tháng mới xuất chuồng)… Lúc này, chị lấy cốm, trộn chung với giò sống vừa xay còn nóng ấm, mỡ lợn thái hạt lựu, tạo thành món chả cốm giòn, mềm, dai, ngậy, hơn đứt chả cốm ngõ Phất Lộc lẫn chả mực Quảng Ninh. Rươi sẽ được đánh nhuyễn với thịt lợn băm nhỏ, làm nhân, cuốn trong bánh đa nem Thổ Hà, rán vừa lửa, gọi là nem rươi, ăn thanh hơn nem thịt nhiều. Thịt lợn sạch được xếp lớp trên cùng- lần lượt xuống dưới là cá trắm cắt khúc nướng qua lửa, dưa chua, riềng, mía chẻ và lá chè tươi, đun hai-ba lửa, thành món cá kho vừa khô vừa mềm, vừa thơm vừa béo, ăn với cơm gạo tám thì chỉ có… bay mất nồi! Đấy chỉ là ba món trong mâm cỗ Tết năm nào cũng vô cùng tinh tế của chị Điệp. Thế nên năm nào ra Bắc, vợ chồng tôi cũng ngong ngóng tới Mùng Ba tết được lên Bắc Ninh ăn cỗ. Sự sành ăn của người đất Bắc Ninh khiến chúng tôi rất “háo hức” để được thưởng thức những gì tinh túy nhất của đất trời có trong mâm cỗ Tết của chị Điệp.
Chà, quá mê cái sự kỹ trong mâm cỗ Tết mà chị Thủy miêu tả rồi. Cái kết lửng này cũng là một sự gợi ý cho các bạn khi Tết đến. Bạn đã được thưởng thức món gì được coi là tinh túy của mỗi vùng miền? Bạn có đam mê trên những hành trình khắp các nẻo đường Việt Nam và thế giới không? Hay bạn có những khoảng lặng thú vị thực sự thư giãn trong mỗi bữa sáng tự làm như gia đình nhạc sĩ Dương Thụ và nhà báo Thủy Phạm hay không? Xin hãy cùng chia sẻ!
Chúng tôi có tình thân với mọi thứ trong không gian mình sống, từ cây mít, cây chanh, con cá, đến những bộ đồ ăn, ấm trà… mà khi lựa chọn mua chúng, là hình dung ra bữa cơm gia đình, bữa trà chiều với bạn bè…
Khi không xem chuyến đi như một chuyến tham quan mà là trải nghiệm sống mở rộng thì đi-về như một quá trình tiếp nối liên tục, cái này là một phần của cái kia và ngược lại.
Codet Hanoi